Số hóa doanh nghiệp là gì? Làm thế nào để doanh nghiệp bắt kịp xu hướng thị trường và tiếp cận khách hàng trong kỷ nguyên công nghệ 4.0?
Định hướng quản lý bằng công nghệ
Vào những năm 1980, những kế toán điều hành trung tâm dữ liệu tại Wall Street (Mỹ), bắt đầu sự nghiệp của mình ở đó bằng việc sử dụng những cuốn sổ cái để phân tích và tổng hợp quỹ tương hỗ. Quy trình đó được tự động hóa khi các ngân hàng và quỹ đầu tư trang bị hệ thống máy tính. Ngày nay, hệ thống của Wall Street có thể dễ dàng kết nối với những khách hàng và đối tác; xuất báo cáo chi tiết để khách hàng có thể tự phân tích các quỹ tương hỗ mà họ muốn đầu tư. Đó chính là mô hình của một “doanh nghiệp số”.
Việc xây dựng các hệ thống để tự động hóa quy trình hay chức năng phục vụ công việc kinh doanh chưa hẳn đã là “doanh nghiệp số”. Mô hình này đòi hỏi một công ty phải được số hóa hoàn toàn từ các chính sách cho đến nguyên tắc kinh doanh, ở đó, công việc của mọi người được thể hiện với tác phong kỹ thuật số; và quan trọng hơn là hệ sinh thái công nghệ tích hợp, đảm bảo an toàn cho thông tin của công ty, và giúp những người được phép truy cập dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ chúng.
Doanh nghiệp số còn hơn là một cụm từ thông dụng của các CIO (Chief Information Officer). Trong một cuộc khảo sát của Altimeter Group gần đây, 88% của 59 nhà quản trị chiến lược số hóa được phỏng vấn cho biết tổ chức của họ đang trải qua quá trình nỗ lực chuyển đổi số hóa trong năm nay.
Các CIO được phỏng vấn về câu chuyện này cho biết doanh nghiệp số thể hiện một thay đổi ngoạn mục trong phương pháp làm việc. Với hệ thống mạng sẵn có, nhân viên sẽ ngay lập tức được liên kết với nhiều thông tin hơn trong công việc. Doanh nghiệp số đang phải suy xét việc làm thế nào để nguồn thông tin trở nên linh động hơn khi cho phép các nhân viên dùng các thiết bị di động. Qua đám mây, họ sẽ được kết nối không chỉ với dữ liệu của công ty mà còn từ khách hàng, nhà cung cấp và các nguồn bên ngoài, bao gồm truyền thông xã hội và kết nối Internet, ứng dụng những kỹ thuật phân tích khác biệt để đưa ra được các quyết sách đúng đắn hơn.
Điểm mới của doanh nghiệp kỹ thuật số là sự nổi lên của tất cả các công nghệ quản lý cùng một lúc. Một số ví dụ tiêu biểu như: Quản lý toàn diện doanh nghiệp (ERP – Enterprise Resource Planning), quản lý mối quan hệ khách hàng (CRM – Customer Relationship Management), trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), hệ thống trả lời tự động (ChatBot)… Máy tính có vai trò to lớn trong việc hỗ trợ con người làm việc tốt hơn trước.
Điều đó không có nghĩa là các phát minh công nghệ trong quá khứ sẽ bị bỏ đi, những hệ thống cũ này tạo nên xương sống cho các doanh nghiệp số. Và bộ xương sống đó đang được nâng đỡ bởi các công nghệ mới.
Ông Trần Nhất Minh – Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam VIB, cho biết về xu hướng công nghệ mang tên SMAC đã hình thành bấy lâu nay được dự đoán là kéo dài đến 2025. SMAC bao gồm các xu hướng:
- Social media (mạng xã hội),
- Mobility (di động),
- Analytics (phân tích)
- Cloud computing (điện toán đám mây).
Mạng xã hội
Đây là xu hướng đang dẫn cả thế giới đi theo, muốn hay không muốn CIO cần quan tâm đến những xu hướng này và có kế hoạch triển khai. Cách đây 2 năm, việc dùng Facebook ở Việt Nam chưa phổ biến lắm, nhưng giờ đây Việt nam hiện có 23 triệu người dùng, con số này vẫn không ngừng gia tăng nhanh chóng. Nhiều cá nhân đã tiến hành bán hàng và giao dịch trên Facebook. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều ngân hàng và công ty đã tạo nên khái niệm chi nhánh ảo trên Facebook (Facebook branch) và trở thành một khái niệm dễ tiếp cận đối với người dùng trên mạng xã hội này ở Việt Nam.
Di động
Sử dụng thiết bị di động cá nhân để giải quyết công việc đang ngày càng tỏ rõ ưu thế và trở nên phổ biến. Nhưng mặt khác, xu hướng này đang đặt ra những thách thức về bảo mật cho doanh nghiệp. CIO cần quan tâm đến chính sách đối với việc cho phép nhân viên làm việc của công ty trên thiết bị riêng của mình sau khi hoàn thiện chính sách . Khi mọi thứ được thực hiện đúng, việc sử dụng các thiết bị cá nhân sẽ cung cấp cho nhân viên vô số lợi ích, bao gồm cả sự linh hoạt, liên tục truy cập vào dữ liệu, năng suất cao hơn, và ít phụ thuộc vào trung tâm công nghệ của doanh nghiệp.
Phân tích
Đây là việc phân tích dựa trên công nghệ dữ liệu lớn (Big data analysis). Công nghệ này ở Việt nam mới chỉ được nghe nói, dường như chưa có doanh nghiệp nào sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, việc thực hiện tiếp thị và bán hàng qua mạng xã hội sẽ không thực hiện được với lượng khách hàng lớn (đối với ngân hàng và các tập đoàn đó là hàng triệu khách hàng) sẽ không thực hiện được nếu không có công nghệ big data.
Điện toán đám mây
Xu hướng điện toán đám mây phát triển mạnh tại Việt Nam. Người dùng thông thường và các doanh nghiệp nhỏ sử dụng dịch vụ SaaS (Software as a Service) rất nhiều. Các ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt nam nói riêng vẫn e ngại với công nghệ này, nên thông chỉ sử dụng đám mây riêng (private cloud). Nhiều ngân hàng và tập đoàn đã bắt đầu triển khai dữ liệu lên đám mây với độ ổn định cao hơn thay vì triển khai hàng trăm máy chủ vật lý. Sử dụng đám mây sẽ đảm bảo sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao tính linh hoạt trong kinh doanh và tăng cường hiệu năng hoạt động.
Với doanh nghiệp không phải là ngân hàng, CIO nên đưa điện toán đám mây thành chiến lược vì sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phần cứng, phần mềm và nhân viên quản lý hạ tầng IT, rút ngắn thời gian triển khai, đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Các CIO trên thế giới tìm kiếm những giải pháp kết hợp 4 xu hướng này trong một giải pháp có cả bốn yếu tố. Vai trò của CIO hiện tại không đơn thuần là một kỹ sư về công nghệ thông tin, CIO cần giúp doanh nghiệp tìm những cơ hội mới để số hoá doanh nghiệp, đem lại những trải nghiệm mới cho khách hàng, những phương thức kinh doanh mới cho doanh nghiệp.
Nắm bắt thời cuộc hay bỏ qua rủi ro
Tin vui cho các CIO về tất cả những thay đổi này là giờ họ có thể có cơ hội hiếm hoi trong sự nghiệp. Sự nổi lên của xu hướng CIO-plus, nơi CIO điều hành bằng công nghệ, các dịch vụ chia sẻ, thương mại điện tử và những công nghệ số khác.
Lãnh đạo doanh nghiệp số trong thời đại này yêu cầu phải có các phẩm chất về tầm nhìn công nghệ, sự hiểu biết trong quản trị và các hệ thống CNTT.
Các công ty ở Việt Nam cũng như trên thế giới nhận thấy rằng di động là điều kiện và là xu thế bắt buộc, không doanh nghiệp nào có thể từ chối.
Từ năm 2010, IBM đã có triển khai chương trình “Smarter Planet – Một hành tinh thông minh hơn” với những thông điệp như “Hãy làm cho các chú cá lên tiếng”, “Các công ty hoạt động xuất sắc có khả năng làm việc thông minh hơn tới hơn 300%”, và đến nay thế giới đã tổng hợp thành lý thuyết “Internet của vạn vật – Internet of Things (IoT)” với mọi phương tiện được kết nối Internet, từ đồ gia dụng đến thiết bị văn phòng hay công nghiệp. Trong doanh nghiệp, người điều hành không thể ở yên một chỗ để xử lý công việc, và hệ thống của một doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong một văn phòng cố định. Bây giờ chúng ta đang sử dụng CNTT để làm việc mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, xu hướng di động là một điều tất yếu và phòng IT của doanh nghiệp phải đưa ra giải pháp để xu hướng này được khai thác hiệu quả trong kinh doanh.
Câu chuyện của PV Oil cũng như thế. Cách đây 4 năm các ứng dụng được thiết kế để chạy trên PC/Laptop. Từ năm 2012, PV Oil bắt đầu thực hiện những ứng dụng đầu tiên chạy trên nền tảng di động để hỗ trợ điều hành xử lý hệ thống văn bản. Đến nay, cùng với việc triển khai các giải pháp ảo hoá thì việc tiếp cận các ứng dụng qua bảo mật truy cập nội bộ từ xa (SSL VPN) và ảo hoá hạ tầng máy tính (VDI) đã đơn giản, an toàn và hiệu quả hơn trước đây.
Sự bùng nổ xu hướng di động đem lại cho doanh nghiệp những cơ hội mới, tăng khả năng cạnh tranh, đem lại dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Hình ảnh nhân viên phục vụ bàn ở nhà hàng đưa thực đơn trên máy tính bảng đã xuất hiện ở nhiều nơi. Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods – FMCG) chúng ta cũng có thể thấy thấy nhân viên bán hàng được trang bị máy tính bảng để theo dõi được quy trình của nhân viên, nhận các đơn hàng online, qua đó tăng chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp trên thế giới bây giờ đang dần dần cho phép nhân viên của mình dùng thiết bị di động cá nhân để làm việc của công ty. Hãng Gartner đưa ra nhận định rằng trong vài năm nữa, một nửa các doanh nghiệp trên thế giới sẽ yêu cầu nhân viên đem thiết bị di động cá nhân để làm việc cho công ty. Các doanh nghiệp ở châu Âu thì e ngại hơn trong vấn đề này. Ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn độ, Brazil tiến trình này được thực hiện mạnh mẽ hơn.
Chính sách thời đại doanh nghiệp số
Các nhà phát triển công nghệ đã phát đi thông điệp “Tương lai là điện thoại. Là tin nhắn. Là lướt web” từ 3-4 năm trước, đến nay đã hình thành khái niệm SMAC, trong đó khẳng định xu hướng làm việc di động là bắt buộc, nên mọi CIO của doanh nghiệp đều phải có sự chuẩn bị.
Đối với các doanh nghiệp thì việc áp dụng các thiết bị di động vào công việc là cần thiết nhưng câu hỏi đặt ra là nên áp dụng như thế nào? Các ngân hàng thường rất chú trọng đến vấn đề an ninh thông tin nên áp dụng những chính sách kiểm soát ngặt nghèo cho việc sử dụng các thiết bị di động. Các ngân hàng và doanh nghiệp đang dần hoàn thiện chính sách đối với việc cho phép nhân viên làm việc của công ty trên thiết bị riêng của mình, BYOD (Bring your own device) và BYOA (Bring your own apps). Sau khi hoàn thiện chính sách, họ có thể cho phép nhân viên sử dụng thiết bị di động cho những công việc cần thiết.
Ông Bùi Đình Dũng của PV Oil cho rằng doanh nghiệp trước tiên cần chuẩn bị nền tảng các phần mềm ứng dụng để người dùng có thể xử lý dữ liệu doanh nghiệp trên di động. Tiếp đó, cần chú trọng xây dựng nền tảng bảo mật bởi lúc này nhân viên đã có thể mang dữ liệu doanh nghiệp ra ngoài văn phòng và sẽ có nhiều khả năng thất thoát xảy ra; việc phân cấp, phân loại, phân quyền dữ liệu cần được xây dựng thành các quy định chặt chẽ. Thứ ba, phải đảm bảo nền tảng hạ tầng kết nối mạng ổn định & tốc độ cao bởi người sử dụng không thể chấp nhận việc truy xuất ứng dụng/ dữ liệu chậm hay kết nối chập chờn. Như trường hợp PV Oil thì không chỉ phục vụ các văn phòng trong nước mà còn phải đáp ứng cho người dùng ở Lào, Singapore sắp tới là Campuchia nên phải liên tục quan tâm hoàn thiện 3 điều kiện trên.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lưu ý việc người dùng sử dụng thiết bị di động tham gia mạng xã hội nhiều hơn sẽ dẫn đến thông tin doanh nghiệp dễ bị rò rỉ, tiết lộ ra ngoài. Để kiểm soát vấn đề đó thì phải quay lại việc kiểm soát quy trình quản trị doanh nghiệp và hệ thống thông tin. Nhưng mặt khác, doanh nghiệp cũng không thể bỏ qua xu hướng với mạng xã hội, mà nên xem đây là một công cụ nhằm đưa ra thông tin chính thống đáng tin cậy.
Đây là những việc Phòng/ Ban CNTT cần làm trong xây dựng kế hoạch và tư vấn cho các cấp lãnh đạo doanh nghiệp bởi CIO phải là người đưa ra các chiến lược và quyết định phương thức hành động phù hợp.
Hiện tại, một số ứng dụng quen thuộc cho phép giao tiếp nội bộ trong công ty như Facebook Workplace.
Vai trò của CIO (Chief Information Officer) / CSO (Chief Security Officer) trong thời đại số
Xu hướng BYOD trong doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. BYOD cũng có thể đạt được nhiều đột phá trong việc xử lý thông tin, góp phần lớn trong việc hoạch định các chính sách CNTT, dù cũng cần thời gian để các doanh nghiệp để nắm lấy sự thay đổi này. BYOD được chấp nhận ở nhiều môi trường làm việc, nhưng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay và vẫn đang được cung cấp bởi công ty thứ 3 trong hầu hết các doanh nghiệp. Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo rằng nhân viên sử dụng các thiết bị này một cách thích hợp, các CIO và CSO phải xem xét cẩn thận và giải quyết các yếu tố sau:
- Quy định và tuân thủ cụ thể
- Tăng cường an ninh và đề phòng rủi ro mất dữ liệu
- Quản lý tài nguyên mạng lưới liên kết với các thiết bị
- CNTT hỗ trợ cho các loại điện thoại thông minh, máy tính xách tay, và máy tính bảng trên các nền tảng khác nhau
- Tách bạch thông tin cá nhân và doanh nghiệp
Trong xu hướng SMAC, vai trò của Giám đốc An ninh thông tin (CSO) là tối quan trọng ; đối với VIB- ngân hàng này đã tái cấu trúc lại Khối Dịch vụ Công nghệ. Theo cấu trúc trước thì ngân hàng này có phòng An Ninh và Hạ tầng Công nghệ, và hiện nay đã tách thành hai phòng riêng biệt.
Hiện tại CSO trực thuộc quản lý của CIO nhưng trong tương lai CSO sẽ chuyển lên thuộc GĐ Khối Quản trị Rủi ro, giống như kinh nghiệm tiên tiến đang được áp dụng tại các Ngân hàng trên thế giới. CSO trong doanh nghiệp chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, bảo mật, phòng ngừa rủi ro cho toàn bộ các hệ thống thông tin trong doanh nghiệp.
Để thực hiện sứ mệnh này, CSO phải đảm nhiệm:
- Liên tục cập nhật những thay đổi mới nhất của công nghệ để có chính sách an ninh thông tin bắt kịp sự phát triển của thời đại.
- Xây dựng khung kiến trúc an ninh thông tin, đảm bảo các hệ thống thông tin được thiết kế, xây dựng tuân thủ theo kiến trúc này và tuân thủ các quy định an toàn, bảo mật của doanh nghiệp cũng như các quy định của ngành, lĩnh vực về an toàn thông tin.
- Xây dựng chính sách an ninh thông tin, các tiêu chuẩn và các thực hành tốt nhất về an ninh thông tin áp dụng trong toàn doanh nghiệp.
- Xây dựng các quy trình đảm bảo tuân thủ an ninh thông tin dựa trên các tiêu chuẩn, quy định tuân thủ của doanh nghiệp, của ngành và lĩnh vực.
- Kiểm soát việc vận hành các hệ thống an ninh thông tin trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp số là xu hướng tất yếu của thời đại và những người lãnh đạo cũng phải nhận thức được sự thay đổi này. Trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều tình huống phức tạp hơn, tuy nhiên vị trí CIO/CSO chính là những người tham vấn, định hướng, chèo lái để doanh nghiệp có thể vững vàng trong làn sóng số.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm và thiết kế web, hãy để dịch vụ G-Online tư vấn và đồng hành cùng bạn trong quá trình số hóa doanh nghiệp của mình.